Thứ Tư, 7 tháng 5, 2014

TRUNG QUỐC ĐANG CẦN CÁI CỚ ĐỂ XÂM CHIẾM BIỂN ĐÔNG


Ngày 3/5, Cục Hải sự Trung Quốc đơn phương thông báo triển khai giàn khoan nước sâu Hải dương 981 tại biển Đông tại vị trí có tọa độ 15o29’58” vĩ Bắc – 111o12’06” kinh Đông. Địa điểm này nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý và trên thềm lục địa của Việt Nam. Giới chức Trung Quốc còn đòi cấm hoạt động của tàu thuyền trong phạm vi bán kính 3 hải lý tính từ giàn khoan. Đây là hành động sai trái, thể hiện mưu đồ xâm lược biển Đông một cách trắng trợn của Trung Quốc. Sự việc được đẩy lên đỉnh điểm khi các tàu hải giám, ngư chính và cả tàu quân sự của Trung Quốc liên tục dùng vòi rồng, súng bắn nước thậm chí còn cho tàu đâm trực diện làm hỏng tàu của chúng ta. Chúng ta đã có 6 người bị thương, rất may không có ai bị thiệt mạng.
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng về phía tàu Việt Nam
Việc tàu Trung Quốc liên tục có các hành động khiêu khích làm cho chúng ta – những người dân Việt Nam chắc chắn đều cảm thấy bức xúc, đều muốn dạy cho chúng một bài học thích đáng. Tuy nhiên, ở đây chúng ta cần phải hết sức tỉnh táo. Trung Quốc cho tàu quấy phá ra chủ yếu với mục đích là làm ta không giữ được bình tĩnh mà nổ súng trước. Do vậy, tất cả các vũ khí trên tàu Trung Quốc đều được dỡ bạt che phủ, trong trạng thái sẵn sàng hoạt động, chỉ chờ ta nổ súng. Khi ta nổ súng, tức là ta đã mắc bẫy của chúng. Chúng sẽ đường hoàng sử dụng vũ khí tấn công ta và tuyên bố rằng “Việt Nam tấn công tàu Trung Quốc và Trung Quốc phải tự vệ”. Như vậy, Trung Quốc sẽ đường hoàng mà đem tàu chiến, máy bay xuống xâm lược biển Đông chứ không phải chỉ là quấy rối, xâm lấn như bây giờ. Có một thực tế mà chúng ta đều phải nhìn thẳng vào sự thật đó là Trung Quốc có tới hơn 1 tỷ dân, nền kinh tế thứ 2 thế giới, quốc phòng của Trung Quốc đang được đầu tư mạnh mẽ, tàu chiến của họ to, lớn và mạnh hơn ta. Chỉ đơn giản là tàu hải giám thôi cũng to gấp rưỡi thậm chí gấp đôi tàu Cảnh sát biển của ta. Việc sử dụng vũ lực đối đầu trực diện chỉ đem lại phần thua thiệt cho ta, thậm chí là thiệt hại nặng nề. Một ví dụ điển hình mà ta luôn cần ghi nhớ đó là việc Philippine mang tàu chiến ra để ngăn cản xua đuổi tàu cá Trung Quốc không những không mang lại kết quả mà còn tạo cớ để Trung Quốc mang nhiều tàu chiến xuống biển Đông hơn nữa với lý do nghe thì rất hợp lý đó là “bảo vệ tàu cá Trung Quốc”. Và thực tế là vùng biển tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippine đó đã gần như thuộc về Trung Quốc khi mà chỉ có tàu cá Trung Quốc được khai thác ở đó, còn tàu cá Philippine thì không vào được.
Thành phần trong khoảng 80 tàu Trung Quốc có đến 7 tàu quân sự, khoảng 33 tàu hải giám, hải cảnh các loại. Chúng sử dụng số lượng vượt trội để uy hiếp, liên tục tấn công tàu ta, hệ thống vũ khí đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, chỉ chờ ta mắc sai lầm, không giữ được bình tĩnh là tấn công. Hiểu được âm mưu thâm độc này, lực lượng kiểm ngư, Cảnh sát biển của ta vẫn kiên trì bám trụ, tuyên truyền và ngăn cản các hành động ngang ngược của Trung Quốc. Do vậy mà cho đến thời điểm này, tàu hải quân của ta vẫn chưa xuất hiện tại điểm nóng này.
Câu hỏi được đặt ra là tại sao Trung Quốc lại đặt giàn khoan tại vị trí này? Giàn khoan này Trung Quốc đặt gần đảo Tri Tôn – một trong các đảo của quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã chiếm của Việt Nam từ 1974. Ta có thể dễ dàng nhận ra rằng Trung Quốc đang cố gắng xác lập vùng lãnh hải 12 hải lý, tiến tới xác lập vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý quanh quần đảo Hoàng Sa, cố gắng liên kết chuỗi đảo này thành một khối và tuyên bố chủ quyền, một cách hợp thức hóa “tài sản cướp được của người khác”.
Xét một cách tổng thể thì hành động đặt giàn khoan trái phép, cho tàu tấn công tàu Cảnh sát biển Việt Nam chỉ là một trong một chuỗi các hành động của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa âm mưu thâm độc đó là độc chiếm biển Đông. Ta có thể kể ra một số hành động điển hình thể sự xâm lược biển Đông của Trung Quốc như:
Tháng 1/1974, Trung Quốc đưa quân chiếm Hoàng Sa.
Tháng 3/1988, Trung Quốc chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, điển hình là trận chiến trên bãi đá Gạc Ma và Côlin.
Năm 2007, Trung Quốc dùng sức ép chính trị để cản trở hợp đồng của công ty BP với Việt Nam trong việc khai thác dầu khí tại khu vực bồn trũng Nam Côn Sơn.
Năm 2008, Trung Quốc lại có hành động tương tự khi cản trở hợp đồng của Exxon Mobil với Việt Nam.
Năm 2012, Trung Quốc lại tranh chấp bãi cạn Scarborough với Philippine – cách bờ biển Philippine 124 hải lý, nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Phillipine.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn tuyên bố ngang ngược chủ quyền về đường lưỡi bò hay đường 9 đoạn, chiếm đến 80% diện tích biển Đông. Đồng thời với tuyên bố này, Trung Quốc liên tục cho tàu trang bị vũ khí xua đuổi ngư dân không chỉ của Việt Nam mà còn ngư dân của các nước khác trong khu vực, thậm chí chúng còn dùng súng bắn thẳng vào ngư dân, “cướp” một cách trắng trợn tài sản của ngư dân đi đánh bắt cá.
Tất cả những hành động ngang ngược của Trung Quốc dường như đã được tính toán rất kĩ, chúng làm dần dần từng bước một với một mục tiêu duy nhất đó là độc chiếm biển Đông. Nhưng không, dân tộc Việt Nam kiên cường, con người Việt Nam bất khuất sẽ không bao giờ run sợ trước những hành động khiêu khích, đe dọa không chỉ về tinh thần mà cả về tính mạng như hiện nay của Trung Quốc. Ngư dân Việt Nam vẫn luôn sát cánh với nhau để cùng nhau bám biển, cùng nhau giữ gìn từng phần của Tổ quốc thiêng liêng. Những chiến sĩ Cảnh sát biển, kiểm ngư của ta vẫn đang kiên trì bám trụ để ngăn cản những hành động ngang ngược của Trung Quốc. Chúng ta sẽ làm tất cả để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Dương Gia Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

aimua24h.com