Có đâu như ở xứ sở An Nam ta, nơi được mệnh danh như là thiên đường của sự thanh bình, ấy vậy mà “trộm chó” hoành hành, đánh chết người thẳng tay tại chỗ. Một sự manh động liều lĩnh cộng với hung ác đang bộc lộ của bọn cẩu tặc. Nhưng cái gì cũng có nguyên nhân của nó, đặt ra cho chúng ta câu hỏi là “vì đâu nên nỗi”.
Không lẽ có đâu sự dã man đến thế sao? Vì không ăn trộm được một vài con chó để kiếm tiền ăn chơi mà chúng nỡ quay lại giết người sao? Những con chó kia là lợi ích thiết thân của mấy tên cẩu tặc hay sao, đó là miếng cơm manh áo, tình nhân hay sự nghiệp của chúng hay là những thứ quý hơn mạng sống của chúng sao mà chúng nỡ xuống tay giết người một cách không thương tiếc như vậy?
Việc trộm chó trên thực tế là một vấn nạn của xứ sở An Nam văn minh chúng ta mà mới phát sinh trong những năm đổi mới. Là vấn nạn gây nên sự nhức nhối trong dư luận, nhất là khắp các làng quê ngõ xóm, nơi mỗi gia đình chăm chút một vài con chó cho việc trông nhà giữ của và chờ có dịp là chén chú chén anh với rượu mận, mắm tôm, lá mơ... Nếu xét trên khía cạnh pháp lý thì tội trộm chó cùng lắm cũng chỉ bị xử phạt hành chính, không đủ yếu tố để cấu thành tội phạm và khép vào khung tội hình sự. Nhưng cái gì cũng vậy, tích tiểu thành đại, và vấn nạn trộm chó cứ tràn lan khắp nơi, người người mất chó, nhà nhà mất chó. Thế là người dân tự xử. Đã có vụ cả làng hùa nhau thượng cẳng chân hạ cẳng tay gây thiệt mạng cẩu tặc mà không biết phải xử ai cả. Sự việc trộm chó bị đánh chết ở xứ ta đã không thiếu, đó là bài học răn đe cho những kẻ đang hành nghề cẩu tặc, nhưng cũng là yếu tố tác động khiến bọn cẩu tặc ngày càng hung hăng và manh động như vậy.
Nhân dân tự xử với "cẩu tặc"
Mọi cái sự ở đời đều có nguyên nhân của nó, hay cũng như chủ nghĩa Mác đã nói, mọi thứ đều nằm trong cặp phạm trù nhân-quả, còn nhà Phật thì nói rằng nhân quả tuần hoàn. Chắc chắn rằng trong bản thân mỗi tên cẩu tặc đã hình thành nên tâm lý “nếu không giết người thì người giết mình”, bởi cái kiểu người dân bất chấp pháp luật, coi thường pháp chế, “tự xử” cẩu tặc thì cái việc cẩu tặc giết người để thoát thân đó là quy luật nhân quả. Bản năng con người là tồn tại, đó là quy luật không loại trừ bất cứ ai, từ ông Thủ tướng cho đến bà nông dân, từ những hiệp sỹ cho đến bọn tội phạm…Những tên cẩu tặc cũng vậy, nếu chúng không giết người để thoát thân thì chúng sẽ chết không kịp ngáp, “chó cùng dứt dậu” là câu từ gọn gẽ nhất cho trường hợp này.
Sự cảm thông, thương xót cho số phận của ba thanh niên vừa bị cẩu tặc bắn chết ở thành phố Hồ Chí Minh vừa rồi là cảm giác nhân văn đúng đắn của con người. Nhưng chúng ta chỉ thương xót mà nghĩ rằng tất cả là do bọn “cẩu tặc” thì đó là sai lầm, và thương xót đi liền với căm thù để cố tìm cách “đánh chết cẩu tặc” lại càng ẫu trí hơn. Người dân chúng ta nên nghĩ lại rằng ngoài lỗi của cơ quan chức năng đảm bảo an ninh trật tự thì lỗi một phần là do chính người dân chúng ta. Do người dân đã phá bỏ hành lang pháp lý, coi thường pháp luật, tự hành xử như một xã hội rừng rú không có luật pháp. Đáng lẽ lúc người dân bắt được cẩu tặc trước đây họ nên giao cho chính quyền, cơ quan chức năng sẽ tiến hành công tác xử lý và đòi lại quyền lợi cho họ. Nhưng chính họ đã hành xử như xã hội man di mọi rợ, xúm nhau đánh chết cẩu tặc và hoan hỉ với kết quả mà họ đã làm được. Nhưng mọi hành xử không có chuẩn mực về đạo đức và pháp luật đều phản tác dụng. Đó chính là người dân đã tự gây ra cái khó cho họ.
Nói về sự lộm nhộm của xã hội ta thì hết chỗ nói, từ việc người dân ý thức bảo vệ mội trường kém đến ý thức tham gia giao thông vô lề lối, rồi cả đống vấn đề khác nữa. Tuy nó chưa được đưa ra quy luật nhân quả “tuần hoàn ngắn” như sự việc trộm chó nhưng rồi cũng sẽ đến lúc nếu người dân chúng ta không chịu sửa, không tự đưa mình vào khuôn phép.
Quốc Thái
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét