Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

Một đề án sặc mùi tiền

Bộ học nước ta thật là lắm chuyện tréo nghoe, toàn những sự vụ gây xôn xao dư luận. Ừ, đúng là việc học, sự nghiệp trồng người là trên hết, khó có gì quan trọng bằng. Nhưng những tính toán, những quyết sách của Bộ học đã gây nên biết bao sự tranh cãi. Từ việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp, sáp nhập hai kỳ thi Quốc gia làm một cho đến đề án hàng chục ngàn tỉ đồng để đổi mới sách giáo khoa. Gây sốc nhất gần đây là việc Sở Giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh định chi 4000 tỉ đồng đầu tư sách giáo khoa điện tử, máy tính bảng cho học sinh tiểu học.
Đúng là các quan chức tháp ngà trong Bộ học đang có những bước đi không kém phần “táo bạo”, dám chi mạnh tay không ngán. Định nhập cả một lô một lốc máy tính bảng về cho học sinh tiểu học sử dụng. Nhưng sao không hỏi xem nhu cầu người học có cần hay không? Không hỏi xem số tiền đó đâu ra? Phụ huynh chịu, hay Nhà nước chịu. Cho dù kinh phí có bên nào chịu đi chăng nữa, phụ huynh chịu thì đó cũng là một gánh nặng. Còn Nhà nước chịu chắc chắn là một phần tiền thuế của nhân dân. Nhưng bỏ qua chuyện ai chịu tiền đi, hãy xét đến sản phẩm có đáng đồng tiền bát gạo hay không? Nhu cầu học của con em xứ ta có cần đến những thứ cao sang, kỹ thuật hiện đại như vậy không? Trẻ em như búp trên cành, nhưng những búp trên cành ở xứ ta đang bị biến thành gà công nghiệp vì lối dạy học quá cầu kỳ phức tạp, chạy đua thành tích. Tôi biết ở Nhật từ lớp 1 đến lớp 4, học không để tính điểm mà chỉ để dạy, bồi dưỡng các giá trị đạo đức truyền thống. Chúng ta đang muốn giảm tải mà lại đầu tư những trang thiết bị không tốt cho trẻ em liệu có tốt hay không?
Với những học sinh cấp 1, thiết nghĩ hãy đặt vấn đề giáo dục nhân cách đạo đức, lối sống lên hàng đầu. Bộ học đừng nghĩ sẽ đúc và nhào nặn những nhân tài theo kiểu gà công nghiệp kiểu đó. Ngay cả những nền giáo dục mang tính công nghiệp, trình độ như các nước dân chủ phương Tây cũng không thực hiện như ở xứ ta. Ở các nước phương Tây họ áp dụng nền giáo dục trẻ em tiếp cận với thiên nhiên, với thực tế, những lớp học mở hơn là ngày càng đầu tư cho trẻ em ngồi máy tính. Những trang thiết bị điện tử trên liệu có đủ chất lượng, khi nó được chế tạo bởi kim loại, hợp kim, sử dụng sóng, sẽ rất hại trẻ em. Tôi không biết ai chủ trương đặt ra vấn đề chi một vụ lớn này nhưng tôi thấy không hợp lý và không cần thiết cho nền giáo dục nước ta hiện nay.
Còn có đầy việc mà Bộ học phải làm, như đầu tư cho các trường học, chế độ đãi ngộ giáo viên ở những vùng khó khăn. Đầu tư để cải cách ở bậc giáo duc đại học gắn đào tạo với nhu cầu thực tế. Hằng năm chúng ta vẫn vô địch Olympic các môn đấy, nhưng chúng ta có những ứng dụng, sáng chế gì không? Hay chúng ta chỉ chi tiền vô ích thôi? Ngày xưa các nhà bác học kinh điển của chúng ta như Tôn Thất Tùng đã nổi tiếng thế giới không phải là đầu tư công nghiệp và bày vẽ như bây giờ. Cái gọi là đề án đi tắt đón đầu tiêu tốn đến 4000 tỉ do các chuyên gia giáo dục đại tài của Sở giáo dục và đào tạo thành Phố Hồ Chí Minh nghĩ ra đã bị Thái Lan cho vào giỏ rác ngay sau khi thí điểm vào năm 2011.
Nhưng buồn thay là trong những bài viết tôi đọc trên mạng đó là đề án này có chăng là sự bắt tay giữa quan chức và tập đoàn cung cấp máy tính bảng nước ngoài. Nếu có thế thật(chưa được kiểm chứng) thì chắc là sự đớn đau mà cả thế hệ trẻ gánh chịu là do lợi ích nhóm, lòng tham của một vài người. Nó sẽ là gánh nặng mà lớp trẻ, những người chủ tương lai của dải đất chữ S này sẽ phải gánh chịu.
Kết cho entry này tác giả không có gì hơn là xin, xin các vị lãnh đạo của Sở giáo dục và đào tạo thành phố Hồ Chí Minh hãy suy xét kỹ. Đừng vì chút nông nổi, chút lợi ích mà tiêu tốn tiền mồ hôi nước mắt của người dân. Xây dựng một đề án mà thế giới cũng phải cúi lạy vì tính bất khả thi, tính thiếu thực tế của nó. Hãy để tiền đó cho những tỉnh vùng cao,nơi mà trường học là vách tre, tường đất. Nơi mà cô và trò đều đói rét. Hãy giành tiền cho những cây cầu, đừng để những cầu Chu Va xảy ra nữa. Và còn nhiều thứ khác cần hơn là trẻ em dùng máy tính bảng.

Quốc Thái

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

aimua24h.com