Nếu pháp luật mà cứ bỏ tù, phạt tiền một vài trường hợp rồi tất thảy sẽ sợ hãi mà chấp hành răm rắp, tuân theo ngàn người như một thì Bộ máy công quyền và con người vận hành nó đâu phải đau đầu buốt óc. Tham nhũng bản thân nó đã là một hành vi có hại cho xã hội, là tội phạm theo như luật học. Nếu chỉ răn đe, thu hồi, bồi thường, xử phạt mà hết được tham nhũng thì chắc đã không phải nghĩ.
Việc Ban bí thư chỉ đạo với sự vào cuộc của Thanh tra chính phủ và các ban ngành liên quan để xử lý kịp thời sai phạm của nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền là một điều đáng được hoan nghênh. Việc thẳng tay thu hồi lô đất 598 B5 đường Nguyễn Thị Định, có diện tích 351 m2; ngôi biệt thự cao cấp số 105 đường Nguyễn Trọng Tuyển, phường 15, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh của ông Trần Văn Truyền đã đem lại lòng tin cho nhân dân. Và khẳng định một điều rằng ở xứ sở này không dung túng cho tham nhũng, bất kể đó là ai. Báo chí cùng lúc đã vào cuộc, vụ việc ông Trần Văn Truyền được đưa ra các diễn đàn, đưa lên đặt xuống để tìm cách giải quyết, làm sáng tỏ vấn đề.
Biệt thự của ông Truyền tại Bến Tre
Nhưng cái gì cũng có hai mặt. Thiết nghĩ, các Ban ngành có trách nhiệm từ cao xuống thấp đã xắn tay áo vào cuộc đối với căn biệt thự cũng như vô số tài sản khác của một cựu quan chức là chuyện tốt. Nó rất tốt trước mắt, nhân dân tin tưởng, làm bao quan khác đang nhà cao cửa rộng xe sang bất minh mất ăn mất ngủ. Nhưng đó vẫn chỉ là giải pháp tạm thời, mang tính xử lý hậu quả hơn là xử lý triệt để vấn nạn mà Đảng ta đã từng đưa vào một trong bốn nguy cơ, coi là “Quốc nạn”. Nhưng mặt tiêu cực của sự xử lý mạnh tay theo kiểu đấu tố, truy thu, hạ bệ uy tín ông Truyền cũng sẽ để lại hậu họa cho công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng sau này. Vụ việc của ông Truyền chỉ bột phát khi mà một phóng viên chụp được bức hình căn biệt thự của ông Truyền, và kéo dài dai dẳng đến nay, chưa có chứng cứ nào khác ngoài mấy bức hình đó và những sự suy đoán. Chỉ thấy lương không đủ để mua được biệt thự thì vu ngay là tham nhũng, hối lộ.
Vào cuộc, xử được ông Truyền mới thấy cái tai hại khi hành động lỗ mãng “dứt dây động rừng”. Từ vụ việc ông Truyền rồi quan tham nào mà chẳng sợ, từ dạo ông Truyền bị dư luận lên án đến nay có khối quan khác tham nhũng sẽ tự chui vào vỏ “nghèo khổ, đói rách, lương không đủ sống”. Và từ nay về sau nếu có quan nào sau khi về hưu đã ký một loạt quyết định bổ nhiệm cũng sẽ không bao giờ xây nhà to như vậy nữa. Tiền bạc nhiều quá thì gửi ngân hàng Thụy Sỹ, rồi cho con cháu kinh doanh để rửa tiền. Có ngàn thứ khác để cất tiền, nguy hiểm nhất là các con sâu lớn đã đục khoét được tiền của Quốc gia sẽ đem ra nước ngoài gửi để con cháu sang bên Tây mà hưởng. Lúc đó thì dư luận có mà lên tiếng bằng mắt, đám nhà báo kền kền lấy gì mà giật tít. Tiền của Quốc gia tham nhũng nhưng đưa ra gây dựng làm ăn, tạo công ăn việc làm cho người dân thì vẫn còn giá trị. Tuy là có tội trước nhưng lại tạo phước sau cho muôn dân, vẫn còn có thể chấp nhận được. Đơn giản là xây dựng cái biệt thự ông Truyền còn tạo ra bao nhiêu công ăn việc làm, tiêu thụ hàng trăm tấn vật liệu xây dựng…Chứ tiền ăn cắp mà mang đi gửi nước ngoài để tránh bị truy tố thì chẳng khác nào đang “bán nước ăn dần”.
Bây giờ xử ông Truyền không khó, nhưng từ nay về sau để lôi ra được một vị “đen như ông Truyền” sẽ rất khó. Sẽ dẫn đến nguy cơ ông Truyền sẽ là vật tế thần cho đám tham nhũng khác, là tấm thân gánh chịu điều tiếng cho thiên hạ. Cái mà các Cơ quan ban ngành cần làm để chống tham nhũng không phải là đi xử một hai người. Mà là nhìn rút ra những gì từ vụ ông Truyền để có những biện pháp thấu đáo tránh “đánh rắn giữa khúc”. Cần nhìn ra những lỗ hỏng nào trong công tác tổ chức cán bộ, từ khâu bổ nhiệm cho đến lúc về hưu. Quan trọng hơn cả là hoàn thiện pháp luật về phòng chống tham nhũng…làm cho quan có muốn tham cũng không dám tham. Chứ để cho tham nhũng xảy ra rồi đi bắt xử từng người, ăn rồi bắt nôn ra thì còn lâu mới tận diệt được tham nhũng. Và thiên hạ cũng đừng mừng quá hóa rồi, tức lâu nay giờ mới bắt được một con cá chuột lớn trong chĩnh gạo nên đập chết luôn, trong chĩnh gạo vẫn còn con lớn đang tiếp tục “đục khoét” và con bé vẫn tiếp tục “chạm khắc” nếu như không có giải pháp để phòng ngừa.
Quốc Thái
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét