Lễ Tết là một truyền thống của hầu hết các nước phương Đông, khu vực Châu Á nói chung. Đây là một ngày trọng đại trong 1 năm, một thời khắc giao thời, trời đất giao hòa, chuyển sang một năm mới với khí thế mới, vận thế mới. Đi kèm với truyền thống này có rất nhiều lễ hội, phong tục truyền thống được diễn ra kèm theo, thể hiện khát vọng về một năm mới hạnh phúc, cũng như cầu an những điều tốt lành như: Lễ chùa, thăm quan, lễ hội,…
Tiền tệ là phương tiện sử dụng để giao dịch, thanh toán hàng hóa trong cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của xã hội, quan niệm về sử dụng tiền hiện nay có nhiều điểm khác biệt với trước đây. Trước đây, trong việc đi chùa, lễ vái, các dịp thắp hương, thờ cúng,…người ta sử dụng những tập giấy in hình đô la âm phủ hay tập giấy có ý nghĩa hình thức như tiền âm phủ để thực hiện cho vấn đề tâm linh, hoặc sử dụng tiền lẻ để đi chùa,… Đây là một phong tục từ rất xa xưa của dân tộc Việt Nam, thể hiện một nét văn hóa của Phương đông nói chung, của Việt Nam nói riêng. Đến nay thì truyền thống này vẫn được giữ, nhưng tồn tại những biến tướng khác đi mà đặt ra nhiều vấn đề cần phải suy nghĩ.
Gần đây, trên các trang mạng thông tin đại chúng xuất hiện nhiều thông tin về việc đổi tiền lẻ để đi chùa, lễ tết với mức chênh khá là cao. Bản thân đồng tiền với chức năng là phương tiện thanh toán nay trở thành hàng hóa, sử dụng như hàng hóa mà nôm na là dùng tiền để mua tiền. Đây là một vấn đề mà tết năm nào cũng xảy ra, các cá nhân thực hiện việc đổi tiền này để hưởng chênh lệch, mặc dù việc đổi tiền này thuộc về chức năng của Ngân hàng, đây được coi như là một giao dịch chợ đen. Vấn đề là như vậy, nhưng lại tiếp tục còn vấn đề nữa là liệu rằng người dân đổi tiền như vậy để đi chùa thì có nhận được đúng tiền thật hay không? Hay nhận lại những tập giấy được in vội vàng giống tiền thật để lừa người đi đổi tiền?
Đặc biệt những ngày giáp Tết, khi mà nhu cầu đổi tiền lẻ tăng cao, thì việc xuất hiện tiền giả ngày càng nhiều, mặc dù nguồn cung từ Ngân hàng không thiếu. Hàng loạt mệnh giá tiền thật bị làm giả như mệnh giá 5000 đồng là bị làm giả nhiều nhất.
Với mục đích là đi chùa cầu an, lễ phật thì những người vì lợi ích cá nhân đã làm giả tiền đổi cho người có nhu cầu trở thành tiếp tay cho nạn tiền giả tràn lan vào xã hội. Và đương nhiên, những người đi chùa, cầu phật lại trở thành những người sử dụng tiền giả. Thật là nực cười khi nghĩ rằng dùng tiền giả để thể hiện lòng thành nơi cửa phật.
Thiết nghĩ, pháp luật đã có những chế tài rõ ràng về hành vi làm, tiêu thụ tiền giả thì cơ quan chức năng cần đẩy mạnh các hoạt động quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát, ngăn chặn các hành vi biến tướng này, không để ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch tiền tệ trong xã hội. Đồng thời, mỗi người dân cũng cần phải ý thức lại mục đích sử dụng tiền, không lạm dụng đồng tiền để cầu may, cầu an làm xấu đi thuần phong, mĩ tục mà truyền thống ông cha ta đã để lại./
Nguyễn Huy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét