Việt Nam là một quốc gia đang phát triển. Cũng như các quốc gia khác luôn có những vấn đề cần giải quyết. Đó là các vấn đề về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…trong đó đặc biệt về vấn đề nhân quyền cần phải giải quyết, chẳng hạn như tình trạng phân hóa giàu nghèo, hay một số cán bộ, công chức nhà nước dựa vàoquyền lực, vị trí công tác, xâm phạm lợi ích của người dân, tham nhũng…Những năm qua, Việt Nam đã có những thay đổi và phát triển, đạt được những thành tự to lớn về quyền con người trên cả hai bình diện đối nội và đối ngoại.
Trên bình diện đối nội, sự kiện đáng chú ý nhất là Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (Hiến pháp năm 2013), trong đó các quyền và tự do của con người đã được nhận thức và ghi nhận đầy đủ. Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam lần đầu tiên đã dành riêng một chương (Chương II) quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân. Hiến pháp mới được thông qua là cơ sở cho việc thay đổi về tư duy lập pháp và đảm bảo, phát triển vấn đề nhân quyền ở Việt Nam .
Bên cạnh đó, ngày 7-11-2012, Đại diện thường trực nước ta tại Liên hợp quốc đã thay mặt Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ký “Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc làm mất phẩm giá khác”. Như vậy cho đến nay, Việt Nam đã tham gia đầy đủ các công ước quốc tế cơ bản, quan trọng nhất về quyền con người.
Quyền tự do ngôn luận, báo chí của người dân đã có những bước phát triển mới. Không kể báo chí trong nước luôn có sự tăng trưởng lớn về số lượng và với diện phủ sóng hiện nay, người dân Việt Nam đã được tiếp cận với gần 80 kênh truyền hình nước ngoài, trong đó có những kênh được phát rộng rãi trên thế giới như CNN, BBC, Bloomberg, TV5, DW, NHK, KBS, Australia Network...
Quyền tự do lập hội, hội họp được quy định trong Hiến pháp (Điều 69) và được pháp luật bảo vệ bằng nhiều văn bản luật và dưới luật. Nghị định 45/2010/NĐ-CP ngày 21-4-2010 quy định cụ thể hơn về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Hiện Việt Nam đang xây dựng các luật về lập hội, luật biểu tình…, nhằm bảo đảm tốt hơn quyền tự do của người dân.
Quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo chẳng những được Nhà nước tôn trọng mà còn tạo cơ hội thuận lợi và giúp đỡ để người dân có điều kiện hưởng thụ đầy đủ các quyền của mình. Đặc biệt, năm Thánh 2011 của Giáo hội Công giáo đã thành công tốt đẹp và lễ bế mạc có sự tham dự của 50 giám mục, trong đó có 6 giám mục là người nước ngoài, 1000 linh mục, 2000 nam nữ tu sĩ và gần 500.000 lượt giáo dân. Năm 2011 cũng là năm kỷ niệm 100 năm đạo Tin lành vào Việt Nam với nhiều hoạt động kỷ niệm lớn được tổ chức tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh với nhiều chức sắc, tín đồ Tin lành trên cả nước và đại biểu Tin lành người nước ngoài...
Việc bảo đảm các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa cũng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Mặc dù bị ảnh hưởng mạnh bởi cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta vẫn được duy trì ở mức khá, trung bình 5,5-6%/năm. Mỗi năm Việt Nam tạo thêm hơn 1 triệu việc làm; giáo dục, y tế và an sinh xã hội ngày càng được bảo đảm tốt hơn. Nhờ các thành tựu về tăng trưởng kinh tế và chính sách an sinh xã hội, Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn MDG về xóa đói, giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước đã giảm từ 13,7% năm 2008 xuống còn 9,6% năm 2012. Thu nhập bình quân của hộ nghèo tăng gần 2 lần trong 5 năm qua. Năm 2012, số lượt hộ thiếu đói giảm 27,6% và tỷ lệ hộ nghèo cả nước cũng giảm 1,76% so với năm 2011. Việt Nam đã đạt trước thời hạn nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs), được quốc tế đánh giá là một trong những điển hình về thực hiện MDGs, nhất là xóa đói, giảm nghèo.
Về đối ngoại, trong những năm qua, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực trong việc thành lập “ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR)”, và ra “Tuyên bố Nhân quyền ASEAN”. Năm 2013, trong phiên họp ngày 12-11-2013, khóa 68 Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bỏ phiếu bầu bổ sung các thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền. Với 184 phiếu thuận trên tổng số 192 phiếu, Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao nhất trong số 14 nước thành viên mới nhiệm kỳ 2014-2016. Sự kiện này thêm một bằng chứng khách quan về những nỗ lực của Việt Nam trong việc tôn trọng và bảo đảm quyền con người theo những chuẩn mực chung của cộng đồng quốc tế.
Đặc biệt, mới đây nhất, ngày 7-2, Nhóm làm việc về UPR của Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Geneva đã thông qua Báo cáo quốc gia trong khuôn khổ cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ II tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc của Việt Nam với sự nhất trí cao.
Những thành tựu to lớn, vững chắc về tuy chính trị, pháp lý cũng như thực tế trên lĩnh vực quyền con người ở trong nước và trên trường quốc tế của Việt Nam là không thể phủ nhận được. Những cái gọi là “điều trần”, “báo cáo”, “bình luận”, nhằm xuyên tạc, bóp méo tình hình nhân quyền Việt Nam chỉ là cách nhìn phiến diện, thiếu khách quan và càng phơi bày những mưu đồ, động cơ chính trị xấu của họ.
A.C
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét