Hiện nay quyền im lặng đang là đề tài thời sự được cả xã hội quan tâm. Đã có nhiều phát biểu, bình luận xung quanh vấn đề cụ thể hóa qui định pháp luật về quyền im lặng. Nhiều bình luận đã tuyệt đối hóa vai trò của quyền im lặng mà quên đi sự cần thiết phải đảm bảo trật tự an toàn xã hội trước tính chất và mức độ nguy hiểm của các hành vi phạm tội đang ngày một gia tăng.
Quyền im lặng không phải là tuyệt đối ngay cả ở quốc gia nơi nó được sản sinh ra. Tại Hoa Kỳ, trong trường hợp để đảm bảo an toàn xã hội (public safety) quyền im lặng có thể bị hạn chế. Tòa án tối cao Hoa Kỳ trong vụ án Quarles v. New York năm 1984 chấp nhận tính hợp pháp của lời khai nghi phạm khi cảnh sát không đưa ra lời cảnh báo Miranda (về quyền im lặng). Trong vụ án này khi nhân viên cảnh sát tiếp cận nghi phạm một vụ cưỡng hiếp đã hỏi về nơi đối tượng cất giấu khẩu súng gây án mà không đưa ra lời cảnh báo Miranda. Lời khai của đối tượng về vị trí cất giấu khẩu súng sau này được Tòa án tối cao Hoa Kỳ chấp nhận là chứng cứ buộc tội mặc dù nó vi phạm qui trình thủ tục. Trong bản án của Tòa án tối cao nêu rõ có thể không tuân thủ qui định pháp lý về quyền im lặng trong “tình huống mà an toàn xã hội phải được đặt lên trên những qui định mang tính phòng ngừa trong lời cảnh báo Miranda”.
"Nếu cần bỏ qua lời cảnh báo Miranda (quyền im lặng), hãy nói là cậu đang bảo vệ an toàn xã hội. Các thẩm phán luôn thích trật tự xã hội hơn là các tên tội phạm" |
Năm 2010 Cơ quan điều tra liên bang Hoa Kỳ (FBI) đưa ra sự diễn giải rộng hơn về khái niệm an toàn xã hội trong điều tra các vụ án khủng bố. Cơ quan này cho rằng sự nguy hiểm của các vụ khủng bố và sự phức tạp trong điều tra loại án này đòi hỏi nhân viên điều tra phải bỏ qua các qui định về quyền im lặng khi thẩm vấn các đối tượng tình nghi. Đó là khi cần phải hỏi ngay về các vấn đề then chốt mang tính chất sống còn như: thời gian, địa điểm mà nghi phạm lên kế hoạch tiến hành khủng bố; vị trí cất giấu vũ khí, phương tiện dùng để tiến hành khủng bố; âm mưu, dự định tiến hành các vụ khủng bố tiếp theo của các tên đồng phạm hiện chưa bị bắt. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ ủng hộ quan điểm này của Cơ quan điều tra liên bang, cho rằng cách diễn giải nêu trên về an toàn xã hội không vi phạm quyền công dân được qui định trong Hiến pháp, mà đó là sự giải thích rõ ràng và linh hoạt các qui định của pháp luật. Gần đây nhất các điều tra viên của FBI đã áp dụng cách thức này (bỏ qua các qui định về quyền im lặng) khi thẩm vấn nghi phạm Dzhokhar Tsarnaev trong vụ khủng bố ở thành phố Boston năm 2013.
Vụ Khủng bố ở Boston năm 2013 |
Như vậy quyền im lặng không phải là bất di bất dịch trong mọi trường hợp. Ngay cả ở Hoa Kỳ, quốc gia vẫn luôn tự hào và đi ra giảng cho các nước khác về quyền con người thì qui định này vẫn bị “lách” khi cần thiết. Do đó phải nhìn nhận vấn đề này từ nhiều chiều và không nên có những ảo tưởng về nó như nhiều người hiện nay vẫn nghĩ.
Huỳnh Gia Huy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét