Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

Sự thật về “Hội nghị Thành Đô”.

Hiện nay, nhiều trang Phản động lợi dụng sự ít ỏi thông tin về Hội Nghị Thành Đô để tung tin bịa đặt về việc có một “Hiệp Định Thành Đô” nào đó theo lộ trình đến năm 2020 thì “Việt Nam trở thành tỉnh của Trung Quốc”. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, rất nhiều người hoang mang, có những nhận thức không đúng về “Hội nghị Thành Đô”. Chúng ta hãy cùng nhau làm rõ:
Đầu tiên, bối cảnh Hội Nghị Thành Đô: Năm 1979, Trung Quốc tấn công Việt Nam, quan hệ hai nước cực kỳ xấu, xung đột biên giới kéo dài đến những năm đầu thập kỷ 90 mới kết thúc, để lại vết sẹo lâu dài trong quan hệ của hai quốc gia. Việt Nam lúc đó lưỡng đầu thọ địch, một mặt phải hỗ trợ nhân dân Campuchia hồi sinh đất nước sau cơn bĩ cực Khmer Đỏ, một mặt tiến hành các biện pháp đấu tranh chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc từ hướng Bắc.
Trong bối cảnh đó, việc cấm vận toàn diện của Mỹ và phương Tây, các quốc gia Đông Nam Á, sự chuyển xấu về tình hình kinh tế chính trị ở khối XHCN đã khiến Việt Nam cực kỳ khó thở. Một nền kinh tế bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh không thể có cửa ra cửa vào, chúng ta phải lựa chọn con đường phá vây cấm vận và đổi mới chính mình để tồn tại. Trong bối cảnh Trung Quốc đang đi lên như một cường quốc mới về kinh tế công nghiệp, cuộc cải cách mang màu sắc Trung Hoa của họ đã đạt được những thành tựu đầu tiên, và đó cũng là một thế lực đang tích cực chặn đường ra thế giới của chúng ta, một Hội nghị bàn về việc bình thường hóa giữa hai quốc gia nhiều duyên nợ là điều cần thiết mà Việt Nam phải chủ động tiến hành.
Có thể thấy, hội nghị Thành Đô là một bước ngoặt thay đổi tình hình khu vực. Bởi vì chúng ta là người cần chủ động phá thế cô lập trên trường quốc tế. Ba ngày từ 2-4 tháng 9 năm 1990, một cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Lão thành của Việt Nam với giới lãnh đạo Trung Quốc được tiến hành. Hội nghị Thành Đô đã thông qua 8 điểm chính bất đồng trong các vấn đề giữa Việt Nam và Trung Quốc lúc đó, trong đó có 7 điểm bàn về vấn đề Campuchia. Cụ thể là việc Việt Nam rút quân, tiến hành tổng tuyển cử tại Campuchia và cho phép các lực lượng tham gia vào liên minh chống Việt Nam với Khmer Đỏ được tham dự vào chính quyền mới. Hệ lụy của vấn đề này là ngày nay chúng ta vẫn thấy một số thanh niên già trâu có tư tưởng chống Việt Nam trong các đảng phái chính trị Campuchia- một mầm mống bất ổn mà chúng ta phải chấp nhận để có thể tồn tại trong bối cảnh lúc đó.
Điểm thứ 8 là điểm quan trọng nhất và trực tếp nhất trong quan hệ hai nước: Vấn đề bình thường hóa quan hệ. Đây là điểm trực tiếp nhất bởi lúc này Việt Nam đang ở thế đối đầu với Trung Quốc,đặt bình thường hóa lên bàn đàm phán có nghĩa tư duy của cả hai đang tìm kiếm một mối quan hệ hòa dịu hơn hẳn. Đây là tiền đề cho việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào vài năm sau đó và là tiền đề quan trọng cho việc đàm phán giải quyết nhiều vấn đề dọc biên giới cũng như Vịnh Bắc Bộ.
Với 8 điểm như vậy, HNTĐ không chỉ là bước ngoặt trong quan hệ ngoại giao giữa 2 nước, bởi lần này, có sự góp mặt của giới lãnh đạo cấp cao nhất của hai nước bấy giờ, đại diện cho ý chí của hai nước, khai thông mối quan hệ đối đầu bế tắc giữa hai quốc gia, mà còn là bước ngoặt lớn trên toàn cõi Đông Dương và khu vực Đông Nam Á. Kinh tế Việt Nam với sự đổi mới từ năm 1986 để đón đầu, cộng với quá trình bình thường hóa quan hệ quốc tế và tham dự các tổ chức thương mại làm xúc tác đã khởi sắc và tăng trưởng đến ngày nay.

A.C

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

aimua24h.com