Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

Đảm bảo quyền tự do ngôn luận trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013


Với 97% đại biểu tán thành, Hiến pháp sửa đổi đã được Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp thứ 6 vừa qua. Nhân dân cả nước tán thành với những thay đổi trong Hiến pháp và tin tưởng rằng Hiến pháp sửa đổi sẽ tạo động lực cho đất nước trên con đường phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh sự nhất trí cao độ của đại đa số tầng lớp nhân dân, vẫn còn vài tiếng nói yếu ớt, lạc điệu xuyên tạc về Hiến pháp và sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Một vài phần tử bất mãn đã ra rả luận điệu cũ rích rằng Hiến pháp sửa đổi chỉ là “bình mới rượu cũ”, không tạo ra đột biến, không đảm bảo quyền tự do cho công dân. Chung giọng điệu đó, đại diện một tổ chức tại Mỹ đưa ra nhận xét rằng Hiến pháp cho phép nhà cầm quyền Việt Nam hạn chế quyền con người bằng những ngôn từ mơ hồ. Thật không hiểu mấy thằng cha này căn cứ vào đâu mà đưa ra những nhận xét hồ đồ như vậy. Rồi một báo cáo viên nước ngoài chỉ sau vài ngày du ngoạn Việt Nam lập tức đăng đàn tuyên bố rằng nước ta nên đảm bảo quyền tự do ngôn luận. 

Đọc những lời lẽ này người viết không khỏi băn khoăn suy nghĩ xem nhóm người này liệu đã đọc nội dung Hiến pháp sửa đổi hay chưa. Hay chỉ là những kẻ “hắt nước theo mưa”, sống ở một đất nước xa xôi nào đó chỉ chờ cơ hội để bêu rếu Việt Nam. Chúng không thấy, hay cố tình không thấy rằng bản Hiến pháp sửa đổi lần này đánh dấu sự thay đổi nhận thức cơ bản về quyền con người. Riêng sự thay đổi bố cục (chuyển từ chương 5 lên chương 2, ngay sau chương các qui định chung) đã thể hiện tầm quan trọng, vị trí của quyền con người. Ngay cả tên chương cũng có sự thay đổi, trước là “Quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân”, nay là “Quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Điều này thể hiện trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trước nhân dân và cộng đồng quốc tế. 

Một vài tên lưu manh chính trị vin vào điều 88, 258 Bộ luật hình sự hay mới nhất là Nghị định 72/2013 vu khống Nhà nước ta hạn chế quyền tự do ngôn luận, đàn áp bắt bớ người bất đồng chính kiến. Sự thật có phải như vậy không? Điều 25 Hiến pháp sửa đổi ghi rõ: “công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”. Nhưng tự do không có nghĩa là muốn làm gì cũng được. Thử hỏi trên thế giới có quốc gia nào công nhận và bảo hộ quyền tự do vô giới hạn? Điều 29 Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của Liên hiệp quốc nêu rõ rằng trong việc thụ hưởng tự do, mọi người phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục tiêu đảm bảo sự thừa nhận và tôn trọng nhân quyền, và quyền tự do của những người khác, cũng như nhằm thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng về luân lý, trật tự công cộng và nền an sinh chung trong một xã hội dân chủ. Rõ ràng quyền tự do của công dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận không phải là không có giới hạn. Như vậy các qui định trên hoàn toàn phù hợp với thực tiễn quốc tế và không trái với Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền.

Theo báo cáo nhân quyền của Việt Nam công bố ngày 3/12/2013, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin đã được đảm bảo ngày càng tốt hơn nhờ sự phát triển nhanh chóng, đa dạng các loại hình và phong phú về nội dung của các phương tiện thông tin đại chúng. Cũng theo báo cáo tính đến tháng 3/2013 cả nước có 812 cơ quan báo chí, 1084 ấn phấm và phát ra hơn 17000 thẻ nhà báo. Những con số này là minh chứng rõ ràng, đập tan những luận điệu xuyên tạc, vu khống bôi nhọ đất nước ta. Việc Việt Nam được bầu là thành viên Hội đồng nhân quyền với số phiếu cao nhất thể hiện sự tín nhiệm mà đông đảo các quốc gia thành viên Liên hiệp quốc dành cho nước ta. Như lời ông Santos Sergio, đại diện phái đoàn thường trực Brasil tại Liên hiệp quốc: “Việc Việt Nam nhận được số phiếu cao nhất trong các nước ứng cử cho thấy sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế với đất nước các bạn”. Hay như ông Filippe Savadogo, đại diện thường trực đoàn Tổ chức các nước nói tiếng Pháp tại Liên hiệp quốc, nói: “tôi rất hài lòng với việc Việt Nam trúng cử vào Hội đồng nhân quyền. Sức mạnh của Cộng đồng Pháp ngữ sẽ được tăng cường. Tôi đã chứng kiến tất cả những nỗ lực của Việt Nam nhằm đóng góp tích cực cho khối Pháp ngữ trong đó có lĩnh vực nhân quyền”. 

Liệu rằng một quốc gia vi phạm nhân quyền, hạn chế quyền tự do ngôn luận có được bầu vào Hội đồng nhân quyền với số phiếu cao nhất được không? Câu trả lời đã quá rõ ràng, và có lẽ chỉ có những kẻ chống đối bất tri mới ngoan cố không chịu tin vào sự thật hiển nhiên này.   
Huỳnh Gia

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

aimua24h.com