Vấn đề thoát Trung là vấn đề hót nhất hiện nay, là đề tài để các trí thức bàn luận, các chính khách cãi nhau cho đến các vị vô danh tiểu tốt khác chém gió. Nhưng nó có mới hay không? Với chúng ta, thoát Trung là vấn đề mới lắm, mới tinh kể từ khi anh bạn láng giềng to lớn và bẩn tính vác ngay cái dàn khoan khổng lồ vào đặt chềnh ềnh ở vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhưng xin thưa “thoát Trung” của ta hiện nay là vấn đề học đòi ngôn từ của “thoát Á luận” của trí thức vĩ đại Fukuzawa Yukichi cách đây hơn một thế kỷ.
Bàn đi cãi lại cũng chỉ có vậy, vẫn nào là những chính sách đao to búa lớn, vẫn là những kế sách trên trời dưới đất. Nào là vị thì bảo rằng cần phải liên minh liên kết với Nhật, vì “kẻ thù của kẻ thù là bạn”, rồi nào là phải làm đồng minh của Mỹ, thậm chí có có vị hứng chí bột phát đòi phá bỏ chế độ này đi thì mới có thể liên minh với Mỹ và chống lại Tàu. Nhưng xin thưa, những cái đó không bàn nữa, tác giả không muốn bàn nữa mà chỉ mong muốn đó là thoát ta.
Liệu chúng ta có thể thoát Trung được hay không khi mà hầu như những bàn luận đều dựa vào cái gọi là liên minh, sử dụng ngoại lực, nói cách khác giống như đi dựa dẫm? Sao chúng ta không tự nhìn nhận lại bản thân mình, ngay cả mỗi con người cho đến toàn dân tộc, nhìn nhận lại từng gia đình cho đến toàn xã hội. Chúng ta vẫn luôn tự hào một đất nước có hàng ngàn năm văn hiến, người Việt ta luôn thông minh, cần cù, nhưng sao đất nước mãi vẫn nghèo. Tôi rất thích nhà vật lý vĩ đại Albert Estanh bởi vì ông nói rằng phải luôn luôn hỏi “vì sao lại thế?”. Đúng, chúng ta có những lợi thế, những thứ khiến chúng ta vẫn vỗ ngực nhưng tại sao chúng ta vẫn mãi nghèo, đất nước vẫn èo uột. Nhà thơ Tản Đà đã từng nói rằng “Dân hai nhăm triệu ai người lớn, Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”. Chúng ta vẫn tự hào với tất cả những thứ thuộc về quá khứ, những thứ rất hào hùng, về nền văn hiến lâu đời nhưng trong khi đó thế giới đang sáng tạo không ngừng, nhân loại đang tiến đến những bến bờ văn minh mới mà tạo hóa đang ẩn giấu để con người phải tìm kiếm.
Liệu chúng ta có thể thoát Trung được hay không khi chúng ta vẩn luẩn quẩn trong cái vòng ngụy biện chúng ta nghèo do chiến tranh. Ừ thì chiến tranh làm cho nước nào cũng nghèo đi, nhưng tính đến thời điểm này chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm, có thể nói là gần nửa thế kỷ rồi. Đã đến lúc chúng ta không thể vịn vào cái cớ chiến tranh đó nữa. Nếu như ngày trước thế giới biết đến chúng ta vì Việt Nam đã anh dũng đánh bại hai Đế Quốc to là Pháp và Mỹ thì ngày nay nếu cứ nghĩ đến điều đó chắc chắn không sớm thì muộn 99% người nước ngoài không biết Việt Nam là ai. Bởi vì chiến thắng của giải phóng dân tộc là một thành quả bắt buộc của lịch sử mà dân tộc phải tự thân thực hiện chứ không phải là một bằng sáng chế, một thương hiệu kinh tế của chúng ta. Trong thời đại này, kinh tế và và internet đang phát triển thì kinh tế sẽ là mặt trận hàng đầu,”nghèo sẽ đi đôi vời hèn”.
Chúng ta có thể thoát Trung hay không khi mà những lò ấp tiến sỹ, những xưởng ấp thạc sỹ, những dây chuyền sản xuất cử nhân hoạt động hết công suất với những mô hình và dây chuyền lạc hậu của hệ thống đào tạo cũ rích. Khi mà cả nước theo số liệu thống kê cho biết : Cả nước hiện có hơn 9. 000 Giáo Sư, 24.000 tiến sĩ, 101.000 thạc sĩ và 2.700.000 cử nhân đại học. Đây là một con số lý tưởng cho một nền kinh tế tri thức phát triển. Nhưng tiếc thay thử so sánh số lượng sáng chế của chúng ta với thế giới để biết hàm lượng tri thức trong những tấm bằng lận lưng của các vị giáo sư tiến sỹ xứ An nam ta. Lượng sinh viên trẻ ra trường không có việc làm, nhưng có làm thì chưa hẳn đã làm việc được. Cả một tập đoàn Intel đầu tư 1 tỉ đô la ở Tp.HCM cần tìm 100 chuyên gia lập trình mà tìm đỏ mắt không ra, phải thuê tận Malaysia, Indonexia. Chúng ta có thể thoát Trung hay không khi chúng ta đang tự hào vỗ ngực vì chỉ số hạnh phúc cao ngất ngưởng thì chúng ta đã tụt hậu 158 hoặc cũng có thể là 175 năm với Singapore, 95 năm với Thái Lan và 51 năm với Indonesia.
Chúng ta có thể thoát Trung hay không khi mà văn hóa ở xứ sở ta hiện nay chủ yếu là văn hóa phong bì thay cho những giá trị của bốn ngàn năm văn hiến. Khi mà có những cá nhân đang vì lợi ích của mình mà tư túi của công, đang ngoài miệng thì chống tham nhũng nhưng âm thầm đút túi tiền của dân. Chính chúng ta đang hẹp hòi với những đồng bào của chúng ta thì thử hỏi làm sao có thể đương đầu với ngoại bang. Khi mà “khẩu hiệu” nhiều hơn những việc làm thực tế thì ý thức và kết quả sẽ tiệm cận con số không là điều chắc chắn.
Chúng ta có thể thoát Trung hay không khi mà chúng ta nổi tiếng bởi những giá trị riêng biệt về ăn uống nhậu nhẹt. Chúng ta uống tới 3 tỷ lít bia mỗi năm, hàng chục triệu lít rượu và tiêu tốn đến hàng tỉ giờ lao động. Tốn kém cho việc ăn nhậu nhẹt bù khú đến hàng tỉ đô la mỗi năm. Chúng ta có thể thoát Trung hay không khi mà chúng ta còn có đến hơn “30% công chức cắp ô” gây lãng phí cho ngân sách. Khi mà sự “nhàn hạ”, “nhậu nhẹt” và ưa “sĩ diện hão” đang được ưa chuộng cũng là lúc tinh thần dân tộc, ý thức cũng như sự vô cảm sẽ lên ngôi là điều khó có thể tránh khỏi. Chúng ta có thể thoát Trung được hay không khi mà ngay chính chúng ta luôn có những tư duy già cỗi và bảo thủ, không chịu tiếp thu những văn minh. Lúc nào cũng đổ lỗi cho văn hóa chúng ta, chúng ta khác họ, nhưng khác để thụt lùi chứ không phải là khác để phát triển.
Chúng ta có thể thoát Trung hay không khi mà chúng ta vẫn ý thức mệnh ai người nấy lo, ra đường thì phóng xe liều mạng bất chấp, vượt đèn đỏ gây tai nạn, vứt rác bừa bãi. Chúng ta có thể thoát Trung hay không khi mà sự vô cảm, vô ý thức đang len lỏi đến tận mọi ngóc ngách của xã hội.
Tôi vẫn tin vào nhà Phật nói rằng “kẻ thù lớn nhất đời người là chính mình”. Chính chúng ta đang là kẻ thù lớn nhất của chúng ta chứ không là ai hết. Chỉ khi nào chúng ta thức tỉnh, biết bỏ qua cái tôi, làm thực hơn là giăng khẩu hiệu, đưa đất nước phát triển lên thì mới mong thoát Trung. Vì thế trước khi mở miệng ra thoát Trung tôi mong các vị trí thức hãy nghĩ đến thoát ta trước đi.
Quốc Thái
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét