Vừa qua Bộ y tế vừa trình Quốc hội dự thảo luật phòng chống tác hại rượu bia, một luật mới nhằm đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng. Tuy nó không lớn nhưng cũng gây nên biết bao lời ong tiếng ve, người bàn ra kẻ tán vào xung quanh sự kiện này.Trong entry này tácgiả xin phép bàn về chủ đề xung quanh dự thảo luật phòng chống tác hại bia rượu.
Dẫu biết bộ y tế là Bộ chủ đạo trong việc trình dự thảo này, trong đó có những điều quy định như “cấm” bán rượu từ 22h đến 6h sáng. Rồi nào là chỉ bán rượu cho những người bình thường, không phải là trẻ em, phụ nữ có thai. Chỉ cần nghe qua cũng thấy rõ đây là những quy định gắn liền với các tiêu chí về y tế, sức khỏe hơn là cách thực hiện trong thực tế. Khi xem xét để ban hành một văn bản luật cũng cần phải xét đến các yếu tố về kinh tế xã hội, điều kiện áp dụng thực tế của chúng ta và sức mạnh của các cơ quan công quyền trong việc thực thi các điều luật. Còn nếu cứ tư duy, sáng kiến trên trời dưới đất sẽ chẳng biết bao giờ mới có thể thực hiện được. Chúng ta không thể ra luật mà không đi liền với các chế tài xử lý vi phạm mà chỉ ù ù cạc cạc cho qua. Và càng không thể ban hành ra luật mà không thi hành hợp lý và không có hiệu quả trên thực tế.
Mặc dù Bộ y tế khi trình dự thảo luật phòng chống tác hại bia rượu cũng đã có những tham khảo từ luật của một số nước tiên tiến. Còn ở xứ ta có khi lại khác, cái tình vẫn hơn cái lý và có không ít thủ thuật để lách luật. Hơn nữa vấn đề liên quan tới bia rượu là vấn đề mang tính ẩm thực. Mà nói đến rượu bia thì dân ta quyết không thua kém bất cứ nước nào trên quả địa cầu. Ngay như vẫn đề chỉ bán rượu theo quy định tuổi, hay bán rượu theo giờ, bán rượu cho những người có đủ năng lực trách nhiệm, không bán rượu cho bà mẹ mang thai, trẻ em nghe có vẻ hơi khó thực thi. Chẳng hạn như không bán rượu sau 22h,nhưng xin hỏi giờ đó có khi đã uống say rồi, chẳng mấy ai mua nữa. Nhưng liệu ở nhà quê có thực hiện được quy định này không.Ở những làng quê nhiều gia đình vẫn nấu rượu để gia đình dùng đãi khách và dùng cho các nhu cầu hiếu hỷ, bán lẻ…Thử hỏi liệu có thể cấm được những trường hợp này. Trong khi bán rượu ở nước ta không phải là những cửa hiệu bán rượu có giấy phép, hay rượu có nhãn mác kiểm định mà toàn là những thứ có xuất xứ không rõ ràng. Và bán theo đối tượng thì cũng khó thực hiện khi mà không phải ai đi mua rượu cũng đủ tuổi, cũng có thể chứng minh mình là người hoàn toàn bình thường…
Buồn thay là luật chúng ta ra đời chỉ chú trọng vào từ “nghiêm cấm” nhưng trên thực tế lại khó thực hiện,ai cũng biết nhưng chẳng mấy ai tự giác thực hiện. Trước khi Nhà nước tung tiền ra để “cấm” người uống rượu thì hãy nghĩ cách làm sao triệt hạ được nạn buôn rượu trái phép, bán rượu tràn lan. Hãy căn cứ vào quy luật cung cầu của thị trường để can thiệp, căn cứ vào quy luật lưu thông hàng hóa để tác động gián tiếp đến người tiêu dùng. Rượu ở xứ ta đang mang lại một lợi nhuận khá lớn cho người sản xuất. Và trong thời đại kinh tế thị trường thì các sản phẩm rượu kém chất lượng đang tràn lan. Ngay cả những làng rượu truyền thống như ở Bắc Ninh hay Ninh Bình cũng đang bị tha hóa theo đồng tiền. Thay vì chưngcất rượu như trước đây họ chuyển sang sản xuất rượu công nghiệp theo kiểu cồn và nước lã cộng với gia vị tạo hương. Chính từ những sản phẩm này là thứ gây hại cho người tiêu dùng.Vì thế các cơ quan chức năng phải vào cuộc để xử lý hết nạn buôn rượu lậu rượu giả. Rồi đến việc ban hành quy chế về sản xuất và kinh doanh rượu, ai muốn nấu rượu phải đăng ký và đóng thuế. Tiếp đó mới đánh nặng thuế rượu để tăng giá bán và làm cho lượng cầu ngày càng thấp đi. Không cái gì làm con người ta sợ bằng đánh vào túi tiền của họ.
Một năm nước ta tiêu thụ hơn 3 tỉ lít bia, hàng triệu lít rượu và ngốn mất hơn 2 tỉ giờ đồng hồ. Đó là một sự lãng phí, lãng phí thời gian, tiền bạc vào bia rượu và lãng phí tiền vào chữa bệnh trị tật. Đi liền với việc cấm bán hay cấm uống điều quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền để người dân hiểu hơn về tác hại của bia rượu đối với sức khỏe và hạnh phúc gia đình. Thay vì các bộ các ngành đổ tiền vào để tham gia xây dựng luật, ban hành luật tốn tiền tốn của thì hãy gương mẫu thực hiện hạn chế rượu bia. Quan chức chỉ ra luật mà nốc rượu như nước lã thì liệu dân có nghe hay không? Văn hóa rượu bia đang lan tràn khắp mọi ngõ ngách với những tiếng dô dô đầy phản cảm. Uống rượu cũng được xem như là một ngón đòn để giao tiếp quan hệ, đọ nhau uống khỏe cũng đang được coi là một anh hùng thì làm sao mới hết nạn rượu bia được? Bây giờ nước ta đang gặp nhiều vấn nạn về thực phẩm, rượu cũng là một trong những vấn đề đó. Luật có ra nhiều đi chăng nữa với những sáng kiến của các chuyên gia trong tháp ngà rồi cũng chỉ xếp xó. Vì vậy, trước khi ra luật mong các vị hãy nghĩ đến tính thực tế của nó và các giải pháp đi liền chứ không chỉ ra luật hao tiền tốn của Nhà nước.
Quốc Thái
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét