Việt Nam hiện nay vẫn là một nước nông nghiệp và việc nâng cao nhận thức cho những người nông dân về canh tác chủ động vẫn là một việc rất đáng làm, đặc biệt trong thời gian qua nổi lên vấn đề dưa hấu Quảng Ngãi bị tồn đọng ở cửa khẩu không xuất được sang thị trường Trung Quốc như kế hoạch, bị thương lái Trung Quốc ép giá. Có thể nói với giá cả 2 hay 3 ngàn một kg thì nông dân Quảng Ngãi bị thua lỗ nặng nề. Mặc dù lượng dưa này đã được một số tổ chức cá nhân đưa xuống Hà Nội tiêu thụ, một phần giúp cho những người dân Quảng Ngãi nhưng đây cũng là một vấn đề đặt ra cho chính những người nông dân trong cách làm và quản lí của nhà nước trên lĩnh vực nông sản.
Điểm qua các mặt báo thì có thể thấy, nguyên nhân của việc tồn đọng ở cửa khẩu cũng có một phần nguyên nhân của chính những người nông dân trồng dưa. Theo báo nông nghiệp, đầu mùa thấy dưa được giá, có người hám lợi, bơm nước vào ruộng cho dưa nặng cân. Nhưng lợi bất cập hại, dưa bị đen ruột và chậm chín, thương lái Trung Quốc trừ trọng lượng và hạ giá mua. Báo cũng nói thêm: “do lối sản xuát tùy tiện, canh tác theo tập quán cũ; quy mô sản xuất manh mún, chất lượng giống không cao, dẫn đến chất lượng dưa hấu Việt Nam không đảm bảo: quả xanh, quả chín, trái vàng, trái xanh lẫn lộn, quy cách thì “lởm khởm” với kích cỡ to, nhỏ chênh lệch quá lớn là nguyên nhân khiến cho thương lái Trung Quốc tăng cường kiểm soát, chậm nhận hàng càng gia tăng tình trạng ùn ứ xe ở cửa khẩu. Trên báo vietq.vn có bài viết với tiêu đề “không ai dí súng vào đầu ép bà con nông dân phải trồng dưa hấu” cũng đã đưa ra một số quan điểm về việc trồng dưa và bán dưa của bà con.
Ảnh: Dưa hấu - bài học đắt giá cho nông dân Việt Nam
Có thể khẳng định, đây không phải là lần đầu tiên những người dân Việt Nam mình bị “xử khó” ngay trên sân nhà. Theo tôi, nguyên nhân chính không hẳn là trình độ hay giống cây, vì trước đó, chúng ta cũng đã xuất khẩu được hàng hóa sang nước khác. Nguyên nhân ở hai chữ “uy tín”, dân mình đang thiếu uy tín trong sản xuất hàng hóa, uy tín ở đây là có trách nhiệm với mặt hàng do mình sản xuất ra. Một số không nhỏ những người nông nhân đang chạy theo những lợi nhuận trước mắt, hi sinh thương hiệu của mình, cụ thể nhất trong thời gian qua là việc một số nông dân Việt Nam bị thương lái Trung Quốc lừa, bán hàng cho họ, bỏ mặc thị trường trong nước, đặc biệt là bán những sản phẩm không đâu vào đâu nhưng lại làm mất đi những giá trị của nông sản Việt Nam như: Bán râu ngô, bán lá vải, mua lá khoai non,...Công nhận, ở đây có sự thủ đoạn của những thương lái Trung Quốc, nhưng cũng không thể nào phủ nhận được những sự hám lợi, trước mắt của người dân Việt Nam mình, đấy là điều hết sức buồn và thất vọng hiện nay.
Và có lẽ, nếu không thay đổi nhận thức, không thay đổi tư duy, tôi tin, đây không phải là bài học cuối cùng cho những người nông dân Việt Nam. Thiệt hại kinh tế thì có thể thấy quá rõ ràng rồi, nhưng những tác động về mặt xã hội thì sẽ âm thầm hơn, rất khó đoán. Miếng cơm mang áo của những người dân bị ảnh hưởng, gia đình họ khó khăn, thì tất yếu xã hội này sẽ khó khăn. Vì thế, theo bản thân tôi, trong thời gian tới, những người nông dân phải tự đi cứu chính mình, tự cường hơn nữa chứ không nên thụ động đi theo cái lợi ích trước mắt, mà quan trọng hơn là trung thành với nghề của mình và uy tín với những người mua, người tiêu thụ hàng hóa của mình.
Niềm Tin
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét