Thưa đọc giả, bài viết của tôi cũng là bài viết mang riêng quan điểm cá nhân về ngày 30 tháng 4, ngày gợi nhắc lại một thắng lợi cũng gợi nhắc lại những chia ly, vết thương khắc khoải của dân tộc trong nhường ấy năm đang dần lành miệng. Bài viết của tôi chỉ là một entry nho nhỏ có sự góp ý hoặc chia sẻ quan điểm với bạn Nam Phong, người đã có bài viết tựa “Không nên gọi 30 tháng 4 là ngày giải phóng” gửi BBC từ Huế.
Có thể về tuổi tác, tôi không bằng Nam Phong, người kinh qua giai đoạn 30 tháng 4 nhưng không có nghĩa tôi không được bày tỏ quan điểm về vấn đề này với tư cách là một hậu sinh. Tôi sinh ra và lớn lên không còn là những năm tháng hào hùng, oanh liệt của cha ông đánh Pháp, đuổi Mỹ nhưng cũng đủ hiểu được sự ác liệt và khắc nghiệt của chiến tranh dẫn đến cho mỗi gia đình. Nếu bạn Nam Phong sinh ra trong một gia đình là tiền bối cách mạng, con cháu cán bộ cao cấp thì tôi đây cũng sinh ra trong một gia đình có ông, các bác, các cậu đi theo cách mạng và là đảng viên tuy tôi bây giờ đi theo con đường khác. Chỉ qua lời kể của ông, bác, cậu tôi thì tôi hiểu rõ rằng chiến tranh mà Mỹ đã gieo rắc cho Việt Nam là không hề nhỏ. Những đợt máy bay Mỹ ném bom bằng B52, người chết tan xác, máu chảy lênh láng, dân làng sơ tán, đó là những hình ảnh, câu chuyện chết chóc trong chiến tranh mà tôi được cảm thụ qua các câu chuyện. Nhưng đó không phải là thứ duy nhất khiến tôi ủng hộ cuộc chiến giải phóng miền Nam, sang bằng giới tuyến thu non sông về một mối.
Xe tăng tiến vào dinh độc lập ngày 30 tháng 4 năm 1975
Cái mà bạn Nam Phong nói trong bài viết trên BBC đó là “Và tôi khóc thương cho lòng yêu nước nhiệt tình nhưng ngây thơ của người Việt đã bị các cường quốc lợi dụng. Đất nước trở thành bãi chiến trường. Người Việt trở thành sỹ tốt xung phong. Việt Nam thành bàn cờ, nhưng người chơi là người Nga, người Trung Quốc và người Mỹ không phải là người Việt. Một bên chiến đấu để "giải phóng" và "nhuộm đỏ thế giới". Một bên chiến đấu để bảo vệ "thế giới tự do". Tôi không nghĩ mọi thứ chỉ đơn giản như vậy. Lòng yêu nước, thứ đã ngàn đời cha ông ta truyền dạy, thứ luôn hòa quyện và chảy trong huyết quản của con lạc cháu Hồng không dễ gì bị lợi dụng.Nếu xét cuộc chiến mà dân tộc chúng ta đã trải qua từ những đúng sai tuyệt đối đến mức chi ly nhất thì mãi mãi dân tộc Việt Nam sẽ chia cắt, non sông sẽ thành hai bờ giới tuyến. Sự chia cắt đó sẽ là cái giá phải trả không chỉ cho một thế hệ mà vô vàn thế hệ mai sau, tuy chung dòng máu nhưng sẽ khác nhau và hận thù tích tụ, không gì có thể hàn gắn và xóa nhòa được. Chia cắt đất nước thành hai miền, theo cách này hay cách khác đã là có tội lớn với tổ tông khi cha ông ta đã phải bằng mọi cách để mở mang bờ cõi. Đất nước Việt Nam vốn nhỏ bé, dân tộc Việt Nam vốn bị chèn ép, đứng bên một nền văn minh khổng lồ nhưng trong cận đại rất chậm phát triển và tụt hậu. Nhưng lại ở vị trí địa lý đắc địa, chiến lược nên là một quân cờ mà cường quốc nào cũng muốn đạt được trên bàn cờ thế giới. Nhưng cái quan trọng là dân tộc Việt Nam đã biết yêu nước đúng lúc, đi giữa lợi ích các nước lớn để đạt được lợi ích cho dân tộc. Cái mà bạn Nam Phong đang thương xót thực sự không đúng, cái đúng sai lịch sử đã định đoạt và do mỗi bên, mỗi con người lựa chọn. Cái thắng lợi lớn nhất, chung nhất mà dân tộc Việt Nam đã đạt được đó là non sông đã thu về một mối. Chia ly từ biệt, người đi kẻ ở, thù hận chỉ là mấy chục năm, một, hai thế hệ là sẽ hết, đó chỉ là cái mất tạm thời nhỏ nhoi trong cái được lớn lao vô biên có tính lịch sử. Con người không sống mãi với quá khứ được, không ai mãi nặng lòng thù hận mà quên đi đại cuộc, buông bỏ dân tộc. Dân tộc là mãi mãi, Tổ quốc là vĩnh viễn.
Chiến tranh là tàn bạo, không nhân nhượng và chỉ có thắng thua quyết định, điều đó chắc bạn Nam Phong hiểu, nhưng quan trọng là ý nghĩa của cuộc chiến tranh đó đã vì cái chung cho đất nước hôm nay và mai sau. Chúng ta không thể thay đổi vị trí đất nước hay tránh bị nước lớn lợi dụng khi chúng ta không đánh Pháp, đuổi Mỹ. Chiến tranh là biện pháp cuối cùng để đổi lấy hòa bình mà dân tộc ta đã phải chấp nhận trong bi thương, ai oán và mất mát. Và nó đã được định đoạt bởi ngày 30 tháng 4 cách đây 40 năm về trước.
Dù sao, tôi cũng mong bạn Nam Phong hãy suy nghĩ thật thấu đáo, hãy xem 30 tháng 4 là ngày giải phóng, phúng điếu cho một thời kỳ chia cắt bởi chiến tranh của đất nước để mở ra một thời đại mới cho dân tộc Việt Nam. Dẫu rằng, bạn cũng như tôi vẫn còn những nặng lòng khi nghĩ về đất nước. Đó là đất nước mình còn nghèo, tiến trình hòa hợp dân tộc vẫn chưa thực sự có kết quả lớn. Nhưng giải quyết những vấn đề đó chỉ là thời gian bạn ạ. Chúng ta sống ở thời đại hôm nay, hãy phụng sự đất nước thay vì phán xét lại lịch sử. Những thứ đúng sai đã được định đoạt ở dĩ vãng.
Quốc Thái
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét