Là sinh viên ngành luật, vừa là công dân trẻ của nước nhà vì vậy tôi luôn giành nhiều thời gian tìm hiểu các vấn đề của đất nước nhất là có liên quan tới pháp luật. Qua việc nắm các thông tin về các văn bản quy phạm pháp luật đang, đang và sẽ được ban hành giúp tôi nắm vững hiểu sâu hơn về những kiến thức mình học được ở giảng đường để đối chiếu với thực tế đời sống pháp luật ở Việt Nam. Vừa qua tôi đăc biệt chú ý tới dự thảo luật căn cước công dân (CCCD) đang được các đại biểu và nhân dân nhiệt tình ủng hộ bên trong lẫn bên ngoài nghị trường Quốc hội. Theo cá nhân tôi, luật căn cước công dân là đòi hỏi tất yếu của thực tiễn quá trình quản lý nhà nước về dân cư và là nguyện vọng của đông đảo nhân dân, bởi
Thứ nhất, về phương diện quản lý, luật CCCD có nhiều tác dụng. Khi luật CCCD đi vào thực tiễn, sẽ góp phần giảm bớt đi những giấy tờ, thủ tục phiền hà. Ví dụ như: một đứa trẻ từ khi sinh ra bố mẹ phải ra cơ quan chính quyền để đăng kí giấy khai sinh; khi đăng kí học lớp từ mẫu giáo đến trung học phổ thông cũng phải mang theo giấy khai sinh; đủ tuổi thành niên lại phải đi làm giấy chứng minh thư nhân dân; lập gia đình phải đi làm sổ hộ khẩu; đó là chưa kể khi tham gia các quan hệ hành chính nhà nước mỗi người lại phải đi đi lại lại tới cơ quan quản lí nhà nước làm đủ các loại giấy tờ thủ tục như: thủ tục kết hôn, làm giấy phép lái xe, giấy chứng nhận xe chính chủ, làm giấy chứng nhận sử dụng đất... và mỗi lần như vậy lại phải mang theo hoặc bản sao có công chứng giấy tờ tùy thân. Do đó thẻ CCCD cùng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ loại bỏ ít nhất các loại giấy khai sinh, chứng minh thư, hộ khẩu; cung cấp các thông tin cá nhân cho các đơn vị chức năng những thông tin cần thiết của công dân mà không cần phải sử dụng hoặc bản sao các giấy tờ tùy thân kia; qua đó góp phần làm giảm thủ tục hành chính phiền hà.
Thứ hai, về mặt kinh tế, nếu luật CCCD đi vào thực tế sẽ góp phần giảm chi phí không cần thiết. Nhà nước sẽ không cần phải tổ chức điều tra dân cư trên toàn quốc đầy tốn kém mà sử dụng chính các thông tin về dân cư của các cơ quan quản lí dân cư trước đây; không cần phải in ấn hàng loạt các loại biểu mẫu, giấy tờ, giải thích hướng dẫn mà ứng dụng ngay phần mềm tin học cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; số lượng cán bộ thực hiện công tác quản lí về dân cư vì thế cũng được thuyên giảm; người dân không cần phải bỏ ra nhiều thời gian, công sức cũng chi phí xăng xe đi lại để tới cơ quan nhà nước thực hiện đủ thứ thủ tục.
Thứ ba quan trọng hơn chính là gia tăng sự hài lòng của xã hội. Luật CCCD đi vào cuộc sống sẽ đem đến cho người dân sự thoải mái hơn, đơn giản hơn, chuyên nghiệp hơn. Nó làm đơn giản hóa 20 loại giấy tờ tùy thân ở mỗi người. Bạn thử nhớ lại xem khi mỗi lần làm thủ tục bất cứ thứ gì bạn đều phải mang theo hàng đống giấy tờ, kể cả bản phô-tô có công chứng kèm theo. Từ đó, bạn nghĩ sao khi mà chỉ cần đem theo thẻ căn cước công dân là có thể giải quyết được hàng trăm các thủ tục tương tự như vậy. Hơn nữa luật CCCD sẽ góp phần chất lượng và sự chuyên nghiệp trong quản lí hành chính về dân cư tất yếu sẽ được nâng lên khi ứng dụng công nghệ tin học, cơ sở dữ liệu điện tử về dân cư. Từ chính yêu cầu ngày càng cao của xã hội mà luật CCCD đòi hỏi nâng cao chất lượng, năng lực, tác phong làm việc của đội ngũ quản lí, đem đến những dịch vụ tốt hơn, thoải mái hơn cho mọi người dân.
Luật căn cước công dân hiện tại mới chỉ còn là dự thảo nhưng đã được dư luận quần chúng đánh giá rất tích cực. Luật căn cước công dân vẫn còn phải trải qua nhiều bước cân nhắc tính toán kĩ lưỡng hơn để Quốc hội ban hành thành luật, sao cho đưa nội dung, hình thức, cách thức thực hiện luật trên thực tế đạt hiệu quả cao nhất đồng thời tránh khỏi những sai sót những lỗi không cần thiết, nâng cao “tuổi thọ” của đạo luật. Với những công dân như tôi, tôi mong rằng những văn bản luật nào của nhà nước cũng được nhân dân ủng hộ, cũng có tính khả thi, tính hiệu quả, như luật này để làm sao sự hài lòng của nhân dân với các cán bộ, cơ quan nhà nước ở mức cao nhất/.
XYZ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét